Loading

Amidan

Amiđan: không cứ viêm là cắt 

Viêm amiđan là một bệnh lý rất hay gặp. Gần đây, báo chí phản ánh một số vụ việc chỉ định phẫu thuật amiđan không đúng, gây sự cố... Việc tự trang bị một số kiến thức y khoa của loại bệnh này sẽ giúp hạn chế tối đa những tai biến không đáng có.

 Vì sao bị viêm amiđan?

Nguyên nhân là do vi trùng, siêu vi trùng hoặc nhiễm cả hai cùng lúc. Vi trùng: chủ yếu do vi trùng liên cầu tán huyết Streptococci nhóm A (Group A Beta-Hemolytic Streptococci – GABHS) với tỷ lệ chiếm trên 40% các trường hợp ở người lớn và trên 75% ở trẻ em, ngoài ra còn có thêm các loại vi trùng khác như tụ cầu (Staphylococcus), Moraxella catarrhalis, Hemophilus Influenza, Mycoplasma pneumonia... chiếm trên 10%. Siêu vi: có khoảng mười loại nhưng trong đó Adenovirus, Rhinovirus và Epstein-Barr virus là nổi bật hơn cả (chiếm 10 - 20%).

Triệu chứng khi viêm amiđan là sốt, đau họng, mệt mỏi, đau nhức khắp mình mẩy, hơi thở hôi, nổi hạch viêm dưới hàm. Có thể kèm theo khó nuốt, nuốt đau, đôi khi có cả đau tai, khạc ra đàm giống như bã đậu và rất hôi. Viêm amidan quá phát ở trẻ em có thể gây khó thở, ngủ ngáy và kèm theo viêm đường hô hấp. Khám sẽ thấy lớp lót trong họng đỏ, đặc biệt amiđan hai bên sưng lớn, đôi khi kèm theo những chấm trắng giống chất bã đậu bám nhiều trên amiđan.

Nguy cơ bị biến chứng

Ở trẻ em, viêm amiđan có thể gây ra các biến chứng nặng như viêm nội mạc cơ tim và viêm khớp với tỷ lệ 1/200.000 trường hợp, viêm vi cầu thận. Ở người lớn, viêm amiđan có thể là viêm tấy quanh amiđan, ápxe quanh amiđan hoặc ápxe amiđan.

Viêm amiđan mủ có thể gây viêm tai giữa (trẻ em), viêm xoang (trẻ trên 14 tuổi và người lớn), viêm thanh quản (người lớn và trẻ em), viêm đường hô hấp dưới (người lớn và trẻ em). Hiếm hơn, viêm amiđan mủ có thể chui trong các mô vùng cổ gây ápxe cạnh cổ và chui vào lồng ngực gây ápxe trung thất (mủ quanh tim), biến chứng này rất nguy hiểm vì có thể đe doạ tính mạng bệnh nhân.

Không phải trường hợp nào cũng mổ

Tuỳ theo tình trạng bệnh, viêm amiđan có thể được điều trị bằng:

Điều trị nội khoa: chủ yếu là kháng sinh và thuốc giảm đau nếu viêm do vi trùng. Các nhóm kháng sinh thường dùng là nhóm Beta – Lactam (Augmentin, Curam, Amoxiklav) hoặc các thuốc thuộc thế hệ mới của nhóm Cephalosporin (Cefuroxime, Cefaclor, Cefixim), nhóm Macrolides (Zitromax, Claritron, Klacid MR), nhóm Quinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacine) cũng rất hiệu quả tuỳ tình trạng bệnh. Ngoài ra bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi, súc họng bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%).

Phẫu thuật cắt amiđan: mổ hay không là chỉ định của bác sĩ tai mũi họng và thường là chọn lựa sau cùng sau khi phương pháp dùng thuốc thất bại. Chỉ định cắt ở các trường hợp sau: viêm cấp amiđan nhiều đợt trong năm (4 – 6 đợt, mỗi đợt kéo dài trên hai tuần), hoặc đã ít nhất một lần amiđan bị viêm tấy hoặc ápxe. Ở trẻ em, chỉ định cắt khi viêm amiđan sưng quá to (viêm amiđan quá phát) gây khó thở, ngáy, ngưng thở khi ngủ hoặc khó nuốt. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện hay trung tâm tại TP.HCM đều cắt amiđan dưới gây mê bằng thiết bị hiện đại.

Lưu ý, chỉ định cắt phải thật thận trọng với những trường hợp phụ nữ đang có kinh nguyệt, trẻ em có bệnh tim bẩm sinh, bệnh về máu, hen suyễn và bệnh tim.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Minh
Sài Gòn tiếp thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

More →
Chữ đậm Chữ nghiêng Chữ nghiêng 2 Chèn Link Chèn Link Mã hóa code Help ?Nhấn vào biểu tượng hoặc kiểu chữ hoặc chèn link sau đó nhấn nút Chọn rồi copy (Ctrl + C) để paste (Ctrl + V) vào khung viết bình luận. Mã hóa code nếu bạn muốn đưa code vào bình luận.

Chọn Xóa